Trẻ sơ sinh có làn da vô cùng mong manh và nhạy cảm. Da của bé cần thời gian để thích nghi, phát triển với điều kiện môi trường xung quanh nên rất dễ bị kích ứng nếu như không được quan tâm đúng cách. Dưới đây là những tips vô cùng hữu ích giúp cha mẹ chăm sóc làn da của bé yêu luôn luôn khỏe mạnh.
1. Tắm cho bé
Đối với trẻ sơ sinh mặc dù cơ thể còn non yếu nhưng lại rất dễ đổ mồ hôi, nhất là vào những ngày mùa hè nhiệt độ có khi lên tới 38 -39 độ, mồ hôi thoát không kịp thường gây ra bít tắc lỗ chân lông. Khi đó, mẹ nên vệ sinh cho bé để tránh nguy cơ mắc các bệnh về da. Tuy nhiên vào những ngày đầu tiên sau khi sinh, rốn của bé thường chưa rụng thay vì việc tắm trong bồn, chậu lớn mẹ chỉ cần dùng khăn mềm thấm nước ấm vừa phải để lau sạch từng bộ phận nhẹ nhàng. Khoảng thời gian khi bé đã đủ cứng cáp hơn, mẹ có thể tắm nước cho bé, nhưng chỉ nên tắm cách ngày, hằng ngày vẫn lau sạch cơ thể. Hạn chế sử dụng dầu gội sữa tắm cho bé sơ sinh, sau khi tắm xong tránh bật quạt hay điều hòa ngay để bé khỏi bị cảm lạnh.
2. Phấn rôm
Phấn rôm là loại bột mà rất nhiều bà mẹ thường thoa cho con sau khi tắm, để da bé khô thoáng và thơm hơn. Tuy nhiên, những thành phần hóa học trong sản phẩm không phải là điều tốt cho bé. Làn da dễ bị nổi mụn và mẩn ngứa, chưa kể đến việc những tinh thể bột siêu nhỏ này có thể vô tình bay vào mũi và miệng làm ngạt đường thở và dẫn đến các vấn đề rất nghiêm trọng về hô hấp. Nhiều khuyến cáo khoa học đã chỉ ra rằng, thường xuyên bôi phấn rôm vào khu vực bẹn, mông sẽ dễ khiến cho bé gái có nguy cơ mắc bệnh ảnh hưởng đến sinh sản sau này. Do đó, nếu bắt buộc phải sử dụng phấn rôm, hãy lựa chọn những sản phẩm an toàn được chuyên gia y tế khuyên dùng và không được thoa vào sát mặt hay vùng nhạy cảm của con.
3. Khô da
Làn da của bé sơ sinh vô cùng mỏng và dễ bị khô. Với thời tiết đặc trưng tại Việt Nam có mùa hanh khô kéo dài nên độ ẩm trong không khí thường rất thấp, do đó các bé càng dễ bị nứt nẻ chân tay và gặp nhiều vấn đề khác về da. Để hạn chế tình trạng khô da, mẹ có thể đặt một chiếc máy phun sương nhỏ trong phòng để làm ẩm không khí. Bạn cũng có thể sử dụng một vài loại kem dưỡng ẩm cho trẻ, nhưng tốt hơn là thay thế bằng phương pháp thiên nhiên như dùng dầu dừa.
4. Tã và quần áo
Tã là đồ dùng thực sự cần thiết đối với em bé. Bạn hãy nhớ thay tã ngay khi bị ướt, bởi nếu để quá lâu sẽ gây ra mẩn ngứa, nhiễm trùng. Nếu bạn thấy da bé nổi mẩn ở phần gần mông, bẹn thì hãy chọn một loại thương hiệu tã khác. Trẻ sơ sinh thường dùng loại bỉm dán hai bên, khi con đã biết bò thì có thể dùng bỉm quần, chúng ta nên lựa chọn loại chống tràn và giúp con thoải mái khi vận động.
Đối với các loại trang phục khác cần vừa vặn để bé được thoải mái vận động, mẹ có thể mua rộng hơn 1 -2 size so với kích thước thực tế vì giai đoạn này con lớn rất nhanh. Chú ý chọn các chất liệu mềm mại thấm hút tốt như 100% cotton, mua về hãy cắt hết các đường chỉ thừa để bé đỡ có cảm giác vướng víu. Đặc biệt là nên giặt tay quần áo của trẻ sơ sinh và hạn chế dùng nhiều bột giặt, dùng nước xả vải an toàn với da em bé để loại bỏ bọt khỏi quần áo.
5. Chăn gối, nệm phòng ngủ
Không gian phòng ngủ thoáng đãng không nên bí khí, chăn mền là thứ tiếp xúc trực tiếp với da của bé phải luôn sạch sẽ và tạo cảm giác dễ chịu để bé không thấy vướng víu. Bạn nên giặt thường xuyên chăn gối cho con để đảm bảo chúng luôn sạch sẽ và an toàn với con.
6. Các vấn đề về da
Bé sau khi ra khỏi cơ thể mẹ làn da có rất nhiều điểm khác biệt, đối với những người làm mẹ lần đầu sẽ không khỏi lo lắng và bỡ ngỡ: Vết bớt, cứt trâu: Nói chung, nhiều trẻ sơ sinh có vết bớt với vùng da đổi màu nhẹ, có thể đen hoặc hơi hồng hoặc có cứt trâu trên da đầu. Đây không phải là di truyền nên bạn không cần phải lo lắng vì chúng hoàn toàn không gây hại gì cho em bé, nó sẽ tự mất đi khi bé lớn dần lên.
Mụn trứng cá: Một số trẻ sơ sinh cũng có xu hướng phát triển mụn trứng cá. Tuy nhiên, chúng không giống như mụn trứng cá tuổi teen. Nếu sự cố vẫn tiếp diễn, hãy đến bác sĩ nhi khoa của bạn.
Eczema, rôm sảy, hăm: Đây là một số bệnh lý ngoài da phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những vết mụn lốm đốm thường xuất hiện trên mặt, cổ, ngực, bẹn mông...bé sẽ có cảm giác khó chịu và quấy khóc. Lúc này cha mẹ cần bình tĩnh để tìm phương pháp điều trị cho con vì những bệnh này thường không nguy hiểm nhưng cần phải nắm vững kiến thức về bệnh. Riêng đối với rôm sảy, các mẹ có thể tìm các loại thảo dược thiên nhiên để nấu nước lá tắm cho bé chỉ qua vài ngày là tình trạng này sẽ thuyên giảm.
7. Tắm nắng
Việc tiếp xúc sớm với tia UV từ ánh nắng mặt trời làm cho trẻ em có nguy cơ bị ung thư da đặc biệt là các bé sơ sinh, da mới có ít chất màu để bảo vệ trước ánh nắng mặt trời. Khoảng 1 tháng đầu tiên thì mẹ nên để bé ở trong nhà tránh ra ngoài vào thời điểm từ 9h đến 4h chiều. Sau thời gian đó thì mẹ có thể đưa bé đi dạo sáng sớm để tắm nắng, thời gian đầu chỉ cần tắm 3 -5 phút thôi sau đó tăng dần từ 10 -15 phút. Thời lượng tắm nắng mỗi tuần chỉ cần 1-2 tiếng là đủ để bé hấp thụ vitamin D tổng hợp cho da. Ở nước ta mùa hè thường nắng sớm hơn, 6h30 trời đã có những tia nắng đầu tiên nên mẹ có thể xem thời tiết thực tế để đưa bé ra ngoài vào khoảng thời gian thích hợp.